
Máy siêu âm
Các sản phẩm nổi bật
1. Máy siêu âm là gì?
Máy siêu âm là thiết bị y khoa quan trọng trong chẩn đoán hình ảnh, máy siêu âm sử dụng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, hình ảnh được tái tạo và hiển thị trên màn hình dựa vào nguyên lý hấp thụ và phản xạ của chùm tia siêu âm.
Với hình ảnh được tái tạo lại, chúng cung cấp thông tin có giá trị trong việc chẩn đoán bệnh lý của các bộ phận thăm khám. Các tín hiệu sóng âm được ghi nhận theo thời gian thực nên từ hình ảnh có thể cho thấy được cấu trúc và sự chuyển động của các bộ phận bên trong cơ thể kể cả đó là dòng máu đang chảy trong các mạch máu, bằng việc ứng dụng nhiều công nghệ xử lý hiện đại.
2. Nguyên lý của máy siêu âm chẩn đoán
Nguyên lý tạo sóng siêu âm: đầu dò của máy siêu âm được cấu tạo bởi các phân tử thạch anh, khi chịu tác động bởi xung điện, các phân tử thạch anh này sẽ phát ra sóng siêu âm (các đầu dò khác nhau sẽ phát ra tần số siêu âm khác nhau) truyền theo hướng của đầu dò đến các bộ phận cần thăm khám và phản hồi ngược lại bộ phận thu nhận sóng âm của đầu dò, và tín hiệu này sẽ được xử lý bởi vi xử lý.
Máy siêu âm hoạt động dựa vào nguyên lý truyền nhận của sóng siêu âm, là khi một chùm tia siêu âm được phát đi từ đầu dò khi gặp một vật thể sóng siêu âm này sẽ xuyên qua một phần và phần còn lại sẽ được phản hồi lại đầu thu nhận sóng âm của máy, tần số và cường độ của sóng âm phản hồi này bị thay đổi so với chùm tia ban đầu dựa vào đó bộ phận vi xử lý sẽ phân tích vào biến đổi năng lượng sóng thu được để tạo ra hình ảnh phần thăm khám lên màn hình.
3. Cấu tạo của máy siêu âm
Một máy siêu âm được cấu tạo cơ bản gồm các bộ phận sau:
- Khối phát, thu sóng siêu âm (đầu dò)
- Khối nguồn
- Khối vi xử lý
- Khối khuếch đại
- Khối hiển thị
- Hệ thống các phím chức năng
4. Ứng dụng của máy siêu âm trong y tế
Hiện nay, máy siêu âm là một thiết bị phổ biến, được sử dụng rộng rãi trong các cơ sở y tế từ các phòng mạch nhỏ, các phòng khám đa khoa đến các bệnh viện lớn đều sử dụng máy siêu âm để phục vụ khám chữa bệnh.
Máy siêu âm được ứng dụng để khảo sát, thăm khám các bộ phận trong cơ thể: ổ bụng tổng quát, tim mạch, tuyến giáp, sản phụ khoa, tiết niệu, tuyến tiền liệt, các bộ phận nhỏ, cơ xương khớp….
5. Các loại đầu dò siêu âm
Để phù hợp với các bộ phận thăm khám khác nhau, thì các đầu dò siêu âm cũng được thiết kế khác nhau về hình dáng cũng như cấu tạo bên trong. Các đầu dò siêu âm thường được sử dụng: Đầu dò tim, đầu dò khối (3D-4D-5D), đầu dò sản khoa, đầu dò tổng quát (convex), đầu dò nông (linear), đầu dò doppler…
6. Các chế độ siêu âm thường dùng
Siêu âm kiểu A: Ghi lại sóng phản hồi bằng những xung nhọn, mà vị trí tương ứng với chiều sâu và biên độ tỷ lệ với cường độ của âm vang (echo) của sóng âm.
Siêu âm kiểu B (2D): Mỗi sóng xung kiểu A đều được ghi lại bằng một chấm sáng nhiều hay ít tùy theo cường độ của âm dội. Đầu dò siêu âm được di chuyển trên da bệnh nhân sóng âm phản hồi ghi lại cường độ tín hiệu phản hồi của các mô trong cơ thể nằm trên mặt phẳng quét của chùm tia siêu âm. Tín hiệu thu sẽ được xử lý và biến đổi thành hình ảnh trên màn hình bằng các chấm trắng đen, xám.
Siêu âm kiểu M: Trong kiểu siêu âm này các tín hiệu âm vang sẽ ghi lại theo kiểu A,các cấu trúc đứng yên trên màn hình là một đường thẳng, còn những bộ phận chuyển động sẽ là đường cong ngoằn nghèo tùy theo sự chuyển động của cơ quan thăm khám. Siêu âm kiểu M được ứng dụng trong siêu âm tim, đếm số nhịp tim của bệnh nhân.
Siêu âm kiểu Doppler (Động): Ứng dụng hiệu ứng Doppler của siêu âm để đo tốc độ tuần hoàn, xác định hướng của dòng máu và đánh giá lưu lượng máu. Có 3 loại siêu âm Doppler: doppler xung liên tục, doppler xung, doppler màu.
Siêu âm kiểu 3D: là kiểu siêu âm được một đầu dò có cấu trúc lớn cấu tạo phức tạp hơn các đầu dò thông thường, bên trong có thêm motor để điều khiển chuyển động của khối phát sóng âm, ngoài ra nhà sản xuất còn sắp xếp các chấn tử nhiều hơn theo hình ma trận, phối hợp với phương pháp quét hình theo chiều không gian nhiều mặt cắt, các mặt cắt theo kiểu 2D này được máy tính lưu giữ lại và dựng thành hình theo không gian 3 chiều.
Siêu âm 4D: Siêu âm 4D hay còn gọi là siêu âm 4 chiều (gồm 3 chiều không gian và 1 chiều thời gian) đây là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến giúp quan sát trực tiếp hình ảnh và hoạt động của thai nhi trong bụng mẹ tại thời điểm siêu âm. Ứng dụng chủ yếu của kiểu siêu âm này là trong Sản nhi.
7. Phân loại máy siêu âm
Hiện nay trên thị trường máy siêu âm có rất nhiều hãng và các model máy khác nhau, để phân loại máy siêu âm chúng ta thường dựa vào các tiêu chí sau: chức năng, hình dạng cấu tạo của máy, theo công nghệ máy.
a/ Phân loại theo chức năng chuyên sâu
- Máy siêu âm tổng quát
- Máy siêu âm chuyên tim
b/ Phân loại theo hình dạng cấu tạo của máy
- Máy siêu âm xách tay
- Máy siêu âm xe đẩy
c/ Phân loại theo công nghệ
- Máy siêu âm 2D
- Máy siêu âm 3D/4D
- Máy siêu âm 5D
- Máy siêu âm Doppler
8. Ưu, nhược điểm của siêu âm chẩn đoán
Ưu điểm: Nhờ sự ra đời và phát triển không ngừng của máy siêu âm giúp ích rất nhiều việc chẩn đoán và điều trị bệnh của các bác sỹ, nhờ máy siêu âm mà các bác sỹ có thể:
- Thực hiện thăm khám không xâm lấn đến các bộ phận bên trong cơ thể dựa vào các hình ảnh được tái tạo trên màn hình
- Với sự phát triển của khoa học mà các hình ảnh được tái tạo một cách sắc nét và sống động giúp bác sỹ có thể chẩn đoán được chính xác tính trạng của bộ phận thăm khám
- Với công nghệ siêu âm 4D, 5D mà bố mẹ thai nhi có thể nhìn thấy được hình dạng con ngay từ trong bụng mẹ.
- Với việc sử dụng sóng âm không gây hại cho cơ thể cũng là một ưu điểm lớn của máy siêu âm
Nhược điểm:
- Không thể chẩn đoán được các bộ phận bị che khuất bởi không khí và hơi.
- Vì sóng siêu âm không thể truyền qua không khí nên các cơ quan như tụy, dạ dày…phải được chẩn đoán kết hợp với các phương pháp khác.
- Siêu âm chỉ nhìn thấy được bề mặt của xương mà không thấy được cấu trúc xương, nên hạn chế cho việc chẩn đoán bệnh lý về xương
- Ngoài ra, kết quả chẩn đoán còn phụ thuộc và chất lượng máy siêu âm và trình độ của bác sỹ sử dụng.
9. Các hãng máy siêu âm nổi tiếng
Thị trường máy siêu âm hiện nay có rất nhiều model và hãng sản xuất, được định vị, phân loại rõ theo chất lượng cũng như thương hiệu và xuất xứ, các máy giá rẻ và tầm trung thường có xuất xứ Trung Quốc, Hàn Quốc, các máy cao cấp thường đến từ các nước Đức, Mỹ, Nhật… một số thương hiệu máy siêu âm đang có trên thị trường Việt Nam
Máy siêu âm Mindray - Trung Quốc; Máy siêu âm Chison - Trung Quốc; Máy siêu âm Samsung - Hàn Quốc; Máy siêu âm GE- Mỹ; Máy siêu âm Siemen - Đức; Máy siêu âm Hitachi - Nhật Bản.