
Bơm, kim tiêm, dây truyền dịch
Các sản phẩm nổi bật
1. Bơm kim tiêm y tế là gì?
Bơm kim tiêm y tế là một trong những dụng cụ y tế cần thiết, ta có thể bắt gặp ở bất cứ cơ sở y tế nào. Bơm kim tiêm không những được dùng để rút máu hoặc hút dịch sinh vật ở trong cơ thể ra ngoài mà còn được sử dụng với mục đích đưa thuốc dưới dạng lỏng, dung dịch hòa tan trong nước, trong dầu vào cơ thể.
Các bác sĩ, điều dưỡng sẽ tiêm thuốc vào các vị trí như bắp thịt, dưới da, tĩnh mạch, ống sống, khoang thanh mạc…trên cơ thể người Những loại thuốc khi được tiêm trực tiếp vào cơ thể thường có tác dụng nhanh hơn phương pháp đưa thuốc vào bằng đường ống. Chính vì thế mà bơm kim tiêm y tế đóng vai trò quan trọng trong việc phòng và chữa nhiều loại bệnh.
2. Cấu tạo của bơm kim tiêm y tế
Bơm y tế hiện nay được cấu tạo gồm 2 bộ phận chính bao gồm: bơm tiêm và kim tiêm.
Các bộ phận của bơm kim tiêm
a. Bơm tiêm
Bơm tiêm có chức năng dùng để chứa thuốc. Bơm tiêm có vỏ bơm tiêm là một ống hình trụ, được thiết kế với một đầu có lỗ thoát ở đáy và một đầu thuôn nhỏ để lắp kim tiêm.
Để tạo lực hút – đẩy, đưa thuốc vào bên trong cơ thể thì trong ống trụ có bộ phận ruột bơm tiêm là một piston lòng khít. Bên ngoài vỏ bơm tiêm có các vạch được chia sẵn theo đơn vị đo là ml, nhằm kiểm tra lượng thuốc chứa bên trong bơm tiêm.
Bơm tiêm hiện nay thường được làm từ các chất liệu chính là thủy tinh, nhựa polime thủy tinh có nẹp sắt.
- Bơm tiêm thủy tinh: có thể chịu nhiệt nên dễ diệt khuẩn, sử dụng được nhiều lần, cũng như dễ dàng quan sát được lượng thuốc có trong ống. Song bơm thủy tinh rất dễ vỡ nên yêu cầu người sử dụng phải có sự cẩn thận, đồng thời có chuyên môn khi sử dụng bơm tiêm.
- Bơm tiêm được sản xuất từ nhựa polime: đây là loại bơm tiêm được sử dụng phổ biến trên thị trường hiện nay với mức giá thành hợp lý cho nhu cầu sử dụng của nhiều người. Bơm tiêm sử dụng một lần cho một người, người dùng có thể dễ dàng theo dõi được lượng thuốc ở trong bình, và sử dụng mà không sợ bơm tiêm bị vỡ.
- Bơm tiêm thủy tinh có nẹp sắt: không bị vỡ khi rơi từ trên cao xuống, dễ hấp sấy để tiệt trùng nhưng khó quan sát được lượng thuốc.
Bơm tiêm y tế có nhiều kích cỡ để phù hợp với nhiều kỹ thuật tiêm, sử dụng lượng thuốc khác nhau. Ví dụ như tiêm phòng vacxin, tiêm thuốc với liều nhỏ để thử phản ứng thuốc… sẽ dùng các loại kim bơm tiêm nhỏ và dài. Khi tiêm các loại thuốc thông thường thì dùng bơm tiêm to hơn.
b. Kim tiêm
Kim tiêm là một bộ phận quan trọng của bơm kim tiêm y tế, giúp đưa thuốc vào cơ thể cũng như lấy máu và dịch ra ngoài cơ thể.
Chất liệu của kim tiêm được làm từ thép không gỉ, giúp kéo dài được độ bền và tuổi thọ của kim. Nòng kim được thiết kế rỗng ở giữa để tạo đường dẫn, đầu mũi kim sắc và được cắt vát nhọn. Đầu kim được thiết kế khác nhau, linh hoạt với từng mục đích sử dụng và yêu cầu đưa ra khi tiêm. Đầu kim có dạng cắt váy, có dạng sắc nhọn, có dạng bo tròn
Đầu kim được thiết kế phù hợp: Tùy vào từng mục đích sử dụng và yêu cầu đặt ra khi tiêm, mà đầu của kim cũng được thiết kế khác nhau. Có dạng cắt vát, có dạng sắc nhọn, có dạng bo tròn.
Kim tiêm có nhiều kích cỡ khác nhau nhằm để phù hợp với từng kỹ thuật tiêm. Cách nhận biết được kích cỡ kim tiêm, bạn quan sát phần đốc kim có ghi các con số 14-16-22-24.
Đối với trường hợp tiêm trong da: Bác sĩ sẽ dùng loại kim tiêm nhỏ, mũi vát ngắn, thường có chiều dài 15mm, đường kính khoảng 6/10mm, 5/10mm, 4/10mm.
Trường hợp tiêm dưới da: Kim tiêm được dùng sẽ là loại kim dài từ 25 – 30mm, có mũi sắt và vát dài hơn với đường kính là 6/10mm, 8/10mm.
Khi tiêm tĩnh mạch: Bác sĩ sẽ dùng kim dài 25 – 30mm có mũi vát ngắn, đường kính 6/10mm – 7/10mm để tiêm tĩnh mạch, nhằm tránh làm tổn thương hay xuyên qua thành mạch cơ thể.
Khi tiêm bắp thịt: Loại kim tiêm để tiêm bắp thịt là kim dài 40 – 60mm, có mũi vát dài để có thể đi sâu vào phần bắp thịt. Đường kính kim tiêm là 7/10mm, 10/10mm.
Ngoài các loại kim thông thường kể trên, còn có các loại kim dành riêng cho các thủ thuật như kim lấy dịch màng phổi, màng bụng, màng tim, kim lấy dịch não…
3. Những lưu ý đảm bảo an toàn cho mũi tiêm cũng như người sử dụng
a. Sử dụng phương tiện tiêm vô khuẩn
- Sử dụng bơm, kim tiêm vô khuẩn dùng một lần cho mỗi mũi tiêm
- Kiểm tra hạn sử dụng, bao bì đóng gói bơm kim tiêm trước khi sử dụng
b. Phòng ngừa sự nhiễm bẩn của dụng cụ tiêm và thuốc tiêm
- Vệ sinh bàn tay trước khi chuẩn bị các dụng cụ tiêm sau mỗi mũi tiêm
- Giữ cho kim tiêm không được chạm vào tay điều dưỡng hoặc vật xung quanh trước khi tiêm
- Không để kim lấy thuốc cắm liên tục ở đầu lọ thuốc sau khi đã lấy thuốc vào bơm tiêm
- Kiểm tra ống thuốc trước khi sử dụng, loại bỏ những ống thuốc vẩn đục, đổi màu, hết hạn,..
c. Phòng ngừa thương tổn cho người bệnh
- Thực hiện mũi tiêm đúng kỹ thuật
- Luôn mang theo hộp thuốc cấp cứu có đủ cơ số thuốc khi thực hiện tiêm
- Để người bệnh ngồi hoặc nằm chắc chắn khi tiêm
d. Phòng ngừa thương tổn cho người tiêm
- Không dùng hai tay để đậy nắp kim.
- Không tháo rời kim tiêm ra khỏi bơm tiêm có máu → Thả bơm, kim tiêm ngay sau khi sử dụng vào hộp an toàn.
- Không để vật sắc nhọn lên đồ vải (ga giường).
- Không cầm bơm kim tiêm đi lại trong buồng bệnh, phải sử dụng xe tiêm hoặc khay khi đi tiêm.
- Bẻ đầu ống thuốc hoặc nước cất đảm bảo không bắn mảnh sắc nhọn ra sàn nhà.
- Những vật sắc nhọn (đầu ống thuốc, vỏ thuốc, kim truyền…) phải cho vào hộp an toàn ngay sau khi sử dụng.
- Sử dụng găng một lần trong trường hợp có khả năng tiếp xúc với máu trong quá trình tiêm.
- Đề phòng sự di chuyển đột ngột của người bệnh trong khi tiêm và ngay khi kết thúc mũi tiêm.
- Người bệnh giẫy dụa: phải có người giữ hoặc cố định chắc chắn.
- Đối với trẻ em: cần hướng dẫn bố mẹ hoặc người nhà giữ trẻ chắc chắn.
e. Phòng ngừa cho người thu gom, vận chuyển và tiêu hủy chất thải sắc nhọn
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân
- Được đào tạo về quản lý phòng ngừa tai nạn rủi ro do vật sắc nhọn.
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ phương tiện thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải sắc nhọn.
- Tuân thủ đúng các quy định về quản lý và xử lý chất thải sắc nhọn.
- Khi bị tổn thương do vật sắc nhọn gây ra cần xử trí tại chỗ và báo cáo theo quy định của bệnh viện.
- Đậy nắp hộp đựng vật sắc nhọn để vận chuyển tới nơi an toàn.
f. Đảm bảo an toàn trong các vấn đề thực hành khác khi thực hiện tiêm
- Tránh thực hành tiêm nếu da tay bị tổn thương hoặc viêm da chảy nước. Cần băng kín vùng da bị xây xước và mang găng khi tiêm.
- Hộp đựng bông cồn phải có nắp để tránh sử dụng bông đã bay hết cồn sát khuẩn cho người bệnh.
- Những nhân viên tiếp xúc với nguồn bệnh đều phải tiêm phòng viêm gan B.
4. Các thương hiệu bơm kim tiêm
Hiện nay trên thị trường chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các loại bơm kim tiêm khác nhau tới từ nhiều hãng sản xuất cũng như kích thước, giá thành khác nhau. Song có thể kể tới một số thương hiệu bơm kim tiêm nổi tiếng, phổ biến hiện nay như: Braun - Đức, KDL - Trung Quốc, Sungshim - Hàn Quốc, Vinahankook - Việt Nam,...